429 Lượt xem

Rừng dừa nước Tịnh Khê Quảng Ngãi địa điểm du lịch hấp dẫn

Thích 362
Chia sẻ

Rừng dừa nước Tịnh Khê Quảng Ngãi, địa điểm du lịch hấp dẫn, nơi gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập của quân và dân ta. Hãy cùng sharehay.net khám phá vẻ đẹp, và lịch sử của rừng dừa nước Tịnh Khê nhé!

 

Rừng dừa nước Tịnh Khê nằm ở đâu?

Quảng Ngãi hướng về phía đông nơi đòng sông Kinh Giang dài 7km chảy qua 3 xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hoà, nối liền với cửa biển Cổ Luỹ nơi đầu dòng sông thuộc địa phận xã Tịnh Khê chính là vị trí của một rừng dừa nước được hình thành hàng trăm năm trước.

Rừng dừa nước Tịnh Khê được coi là "lá phổi" đối với cuộc sống của người dân Tịnh Khê. Địa phương này không chỉ sở hữu rừng dừa nước tuyệt đẹp mà còn có hệ sinh thái ở sông Kinh vô cùng phong phú. 

Dọc theo tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê đoạn đầu Tịnh Khê bạn có thể dễ dàng nhình thấy rừng dừa nước xanh mướt dọc theo phía đông của đoạn đường.

Rừng dừa nước Tịnh Khê Quảng Ngãi gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc

Trong kháng chiến, rừng dừa nước Tịnh Khê là nơi trú ẩn của lực lượng vũ trang Tỉnh đội Quảng Ngãi và du kích địa phương, chống lại những cuộc càn quét, đánh phá của kẻ thù vào xã Tịnh Khê và các địa phương lân cận.

Giai đoạn 1969-1970, địch cày xới, không còn một gốc cây, ngọn cỏ ở xã Tịnh Khê. Nhờ tận dụng địa thế của rừng dừa nước khi thủy triều lên thì rừng dừa nằm trong biển nước, lúc nước xuống vẫn có những vùng đất nhô lên, lực lượng du kích lấy bao dồn cát và lấy ống cống ri của Mỹ làm chắn đỡ.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tịnh Khê, vào những năm 1969, thực hiện mưu đồ "bình định cấp tốc", Mỹ đã đưa một tiểu đoàn lính cộng hoà và 2 đại đội bảo an tiến vào xã Tịnh Khê lùng sục các thôn, xóm. Nhưng ngay từ đầu, chúng đã bị một đơn vị của Tiểu đoàn 48 - Tỉnh đội Quảng Ngãi và du kích xã Tịnh Khê ẩn nấp trong rừng dừa nước đánh trả, diệt hơn 100 tên địch và bắn cháy xe bọc thép M113.

Ngày nay, rừng dừa trăm tuổi này giúp người dân địa phương ổn định đời sống. Tại địa phương này, còn khoảng chục hộ dân gắn bó với nghề chằm lá dừa. Ngày trước từ lá dừa có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như võng dừa, chổi, mũ... Hiện tại chỉ duy nhất tấm mái che lợp nhà bằng lá dừa vẫn còn được ưa chuộng.

Bình quân mỗi ngày người dân ở đây đan được khoảng 20 – 25 tấm, mỗi tấm giá 35 nghìn đồng. Lá dừa mỗi năm thu hoạch 2 lần, từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6 đến tháng 7. Người dân phơi lá dừa khô, sau đó dùng nan tre đan lá dừa thành từng tấm, mỗi tấm gồm 25 đôi lá dừa đan lại.

Bảo tồn rừng dừa nước Tịnh Khê

Trải qua thời gian và nhiều biến cố, rừng dừa nước Tịnh Khê hiện có diện tích hơn 9 ha, bị thu hẹp nhiều so với thời kháng chiến do người dân đào ao nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn rừng dừa nước trên sông Kinh bị tàn phá nhiều nhất vào các năm 1989 - 2001. Lúc ấy nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh Giang để nuôi tôm tự phát.

Những năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi bị bệnh chết, người nuôi thất thu. Hàng loạt hồ nuôi bị bỏ không, người dân chuyển sang nghề chằm lá dừa, đan lát… Diện tích rừng dừa cũng vì thế được bảo tồn.

Rừng dừa nước Tịnh Khê địa điểm du lịch hấp dẫn du khách

Bơi thuyền trong rừng dừa nước Tịnh Khê là điều vô cùng thú vị đối với nhiều người. Trong rừng dừa có nhiều lối bơi thuyền chẳng khác nào ngã ba, ngã tư trên phố. Vậy nên, rừng dừa nước Tịnh Khê như một bức tranh thanh bình, nên thơ.

Ông Phan Thanh Dũng, một người sống gần rừng dừa nước cho biết: Mùa đông, rừng dừa là nơi trú ẩn của những đàn cò. Còn dưới mặt nước là nơi sinh sôi của những loài thủy sinh. Con cá đối nước lợ, con cua xanh, con ghẹ, con ốc... trở thành nguồn sống của cư dân ở đây. Tàu lá dừa dùng để lợp cho những hàng quán đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người.

Còn gì thú vị hơn khi trong mùa nắng nóng được bơi thuyền trong rừng dừa mát rượi rồi giăng câu, thả lưới bắt cá... Chính vì thế, từ lâu rừng dừa ở đây đã trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ.



Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trần Quang Minh cho biết: UBND tỉnh đã công nhận xếp rừng dừa nước này là di tích lịch sử, văn hoá của tỉnh và cụm di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh liên hoàn từ Long Đầu hý thủy đến bãi biển Mỹ Khê. Xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo vệ di tích, bảo vệ rừng dừa nước và hy vọng trong thời gian đến sẽ có nhà đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái tại đây.

 

Có thể bạn nên đọc

Có thể bạn quan tâm

kham-pha-cong-nghe.jpg
banner-sharehay2.jpg

Liên kết với chúng tôi